Ý nghĩa lịch sử và tôn giáo Nhà_thờ_chính_tòa_Aachen

Nơi an nghỉ cuối cùng của Charlemagne

Cốt lõi của nhà thờ là một cấu trúc hình bát giác Carolus ban đầu được dựng lên như nhà nguyện cung điện của Charlemagne và sau này chính là nơi lưu giữ mộ của ông. Sau khi qua đời, thì ngày 28 tháng 1 năm 814, Charlemagne được chôn cất tại nhà thờ của mình, vị trí chính xác vẫn chưa được biết vì thiếu tài liệu và sự mơ hồ của bằng chứng vật lý. Tuy nhiên, có khả năng ông đã được chôn cất trong chiếc quan tài đá Persephone bên dưới tháp phía tây ở lối vào cấu trúc bát giác

Năm 1000, hoàng đế Otto III của Đế quốc La Mã Thần thánh đã cho mở hầm mộ của Charlemagne. Otto của Lomello, một trong các cận thần đã đi theo Otto III đã ghi lại sự kiện này trong Biên niên sử của Novalesia, viết vào khoảng năm 1026 như sau:

Vậy chúng tôi đi vào hầm mộ Charles. Ông ta không nằm như các người chết khác, mà ngồi như thể còn sống. Đầu đội vương miện bằng vàng, bàn tay vẫn mang bao tay, cầm một vương trượng; móng tay xuyên qua bao tay chìa ra ngoài. Bên trên ông ta có tấm trướng bằng đá vôi và cẩm thạch. Khi vào, có một mùi khó chịu xộc ra. Chúng tôi quỳ xuống tỏ lòng thành kình với hoàng đế Charles và sắp xếp lại những thứ bị hư hại. Thân thể hoàng đế còn nguyên vẹn, chỉ trừ chỏm mũi. Hoàng đế Otto đã thay thế nó bằng vàng, lấy một cái răng của Charles, cho xây tường bịt lối vào hầm mộ, rồi lui lại.[11]

Một hình lớn mô tả hoàng đế Otto và cái nhìn khâm phục vào hoàng đế Charlemagne được vẽ trên tường đại sảnh đường của Tòa thị chính Aachen. Năm 1165, hoàng đế Friedrich Barbarossa lại cho mở hầm mộ này và đặt thi hài hoàng đế Charlemagne vào một quan tài làm bằng đá hoa giả sứ (parian marble), cùng loại với cái để lưu giữ hoàng đế Augustus Caesar của La Mã. Các xương của Charlemagne nằm trong quách này cho tới năm 1215, hoàng đế Friedrich II lại cho đặt vào một quan tài bằng vàng và bạc. Một bộ luật bằng giấy da bê thuộc chôn chung với Charles được lấy đi.

Nơi đăng quang của các vị vua Đức

Theo chỉ dẫn rõ ràng của Charlemagne, con trai ông là Louis Mộ Đạo đã tự xưng làm vua trong nhà nguyện. Giữa lễ đăng quang của Otto I vào năm 936 cho đến năm 1531, đã có tổng cộng 31 vị vua (trên tổng số xấp xỉ 40 vị vua của Đức) đã được trao vương miện trong nhà nguyện. Lễ đăng quang tại bàn thờ Đức Mẹ, sau đó là tiếp quản Ngai vàng Aachen của Charlemagne (vẫn còn cho đến ngày nay). Điều đáng chú ý là trong thời kỳ này, tất cả các nhà cai trị Đức bất kể họ có được trao vương miện ở Aachen hay không, đều đã ngồi trên ngai vàng của Charlemagne.

Hành hương Aachen

Cuộc hành hương Aachen là một cuộc hành hương trong đó bốn di tích tôn giáo quan trọng nhất của nhà thờ có thể được nhìn thấy bởi các tín đồ, chứng thực từ năm 1238. Kể từ năm 1349, các thánh tích này đã được đưa ra trưng bày mỗi 7 năm một lần. Cuộc hành hương gần đây nhất vào năm 2014 với phương châm "Geh in das Land, das ich dir zeigen werde" ("Tới vùng đất tôi sẽ chỉ cho bạn thấy")